Ý NHI – MINH NGUYÊN 8/3/2017
Ông bà ta thường nói “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, nhưng trong xã hội hiện đại, không ít phụ nữ vừa đảm việc nhà lại vừa giỏi việc kinh doanh.
Trong số những doanh nghiệp lớn của Việt Nam, không ít lãnh đạo là “nữ”. Tuy khác nhau về tuổi tác, lĩnh vực kinh doanh nhưng họ có chung sự nhiệt huyết, bản lĩnh để “chèo lái” doanh nghiệp khẳng định thương hiệu trên thương trường. Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Báo Doanh Nhân Sài Gòn đã trao đổi với ba nữ lãnh đạo doanh nghiệp để nghe họ chia sẻ về những kinh nghiệm quản trị cũng như tâm tư của những phụ nữ dấn thân vào nghiệp kinh doanh.
Bà Vũ Thị Thuận – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Traphaco |
Bà Vũ Thị Thuận – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Traphaco: Ý chí của nhà điều hành dẫn dắt công ty hiện thực hóa các mục tiêu
Người đưa Traphaco từ doanh nghiệp nhỏ thành doanh nghiệp dược quy mô lớn thứ hai của Việt Nam từng có một quyết định táo bạo: đề xuất cổ phần hóa Công ty ngay sau buổi đầu tiên được tiếp cận khái niệm này năm 1999. Bà Thuận “đứng mũi chịu sào” lèo lái con thuyền Traphaco trải qua các giai đoạn tăng trưởng cao nhất trong lịch sử Công ty. Trong 10 năm sau khi niêm yết, từ 2007 – 2016, Công ty tăng trưởng hằng năm 16%. Đặc biệt, vốn hóa của Traphaco trong năm 2016 tăng 4.000 tỷ đồng, gấp đôi so với năm trước đó.
Nữ dược sĩ 37 năm gắn bó với Traphaco trả lời báo chí khi đang chuẩn bị cho mùa đại hội cổ đông sắp tới, cho biết: Năm 2017 cũng là năm Traphaco hướng đến mục tiêu tăng gấp đôi quy mô kinh doanh liên tục trong bốn năm. Liệu điều này có khả thi? Bà Thuận cho rằng, bất kỳ mục tiêu nào thì trước hết phụ thuộc vào ý chí của người lãnh đạo. “Vấn đề là lãnh đạo có phương án sản xuất và kinh doanh thuyết phục được cổ đông và cán bộ, công nhân viên” – bà Thuận nhấn mạnh.
Mùa đại hội cổ đông năm ngoái, bà Thuận bước sang tuổi nghỉ hưu, tiếp tục được các cổ đông nước ngoài và cổ đông trong Công ty tín nhiệm cầm lái con tàu Traphaco, bất chấp bốn đề cử từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) – cổ đông lớn nhất Công ty. Mekong Capital – cổ đông lớn thứ hai nắm gần 25% cổ phần đánh giá cao thương hiệu Traphaco và những sản phẩm mới mà bà Thuận nhiều năm tập trung xây dựng.
Bà Thuận được xem là người có công lớn nhất trong việc đưa Traphaco cổ phần hóa thành công năm 2000, đem lại sự chuyển mình lớn cho Traphaco để phát triển theo hướng hiện đại. Quá trình chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang doanh nghiệp cổ phần tại Traphaco chỉ mất một tháng 18 ngày. Bà Thuận sau đó tiếp tục đưa Traphaco niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM, huy động vốn, đầu tư phát triển toàn diện Công ty, đẩy nhanh tốc độ doanh thu và lợi nhuận.
Hiện nay Traphaco sở hữu hai nhà máy sản xuất đạt chuẩn GMP-WHO. Traphaco là công ty dược sở hữu những vùng trồng dược liệu lớn ở nông thôn và miền núi, tạo được chuỗi giá trị khép kín từ nguyên liệu đến sản xuất. Traphaco đã kết hợp rất tốt mô hình hợp tác bốn nhà: nhà nước – nhà nông – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp cùng tham gia phát triển nguồn nguyên liệu nội địa.
Hiện nay, Traphaco có hơn 250 loại thuốc lưu hành trên thị trườn, trong đó 70% là thuốc từ dược liệu tự nhiên, nổi tiếng nhất với hai loại thuốc về gan mật sản xuất dựa trên các bài thuốc cổ truyền Boganic và thuốc thần kinh hoạt huyết dưỡng não Cebraton, xếp thứ 4 và 13 top 20 dược phẩm OTC có doanh thu cao nhất thị trường dược phẩm – theo Công ty Nghiên cứu IMS Health.
Tại hội nghị cổ đông năm 2003, thời điểm Traphaco đang chuyển mình, bà Thuận từng trả lời thắc mắc của nhân viên về thời gian tồn tại của Công ty: “Traphaco sẽ tồn tại nhiều năm nếu như tất cả chúng ta đều quan niệm phát triển công ty bền vững”. Trước thềm đại hội cổ đông sắp tới, phát triển bền vững có thể sẽ được bà nhắc lại như một yếu tố tiếp tục đưa Traphaco tăng trưởng mạnh. Trả lời báo chí, bà Thuận nhấn mạnh các yếu tố tạo nên sự phát triển bền vững cho một công ty là “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp định hướng tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi theo chuẩn mực quốc tế”.
Bà Huỳnh Tiến Hạnh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP HQGano |
Bà Huỳnh Tiến Hạnh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP HQGano: Thành công khi biết tìm ra sự khác biệt
Từ một người tay ngang bước vào lĩnh vực nuôi trồng, sản xuất và kinh doanh nấm và đông trùng hạ thảo, bà Huỳnh Tiến Hạnh đã không ít lần thất bại, tưởng chừng bỏ nghề, nhưng nỗi trăn trở về một sản phẩm tốt cho sức khỏe cộng đồng mà vẫn chưa được nhiều người dùng vì giá quá đắt đã tạo cho bà động lực để tiếp tục đi đến cuối con đường mà bà từng bộc bạch “Nghề đã chọn mình”.
Cuối năm 2012, bà Huỳnh Tiến Hạnh nảy ra ý định mua phôi nấm linh chi về trồng tại nhà. Ý nghĩ của bà lúc đó chỉ nhằm dạy con biết lao động và cũng là niềm vui lúc đang “nhàn rỗi”. Bà tâm sự: “Sau khi thu hoạch lứa nấm đầu tiên, tôi đem sắc nước cho chồng uống. Sau hai tháng, chồng tôi đi khám lại, thấy chỉ số mỡ máu giảm, huyết áp cân bằng. Ông xã động viên tôi tiếp tục trồng nấm linh chi để bán và quảng bá cho nhiều người dùng. Đặc biệt anh chị em trong Công ty hết lòng ủng hộ tôi.
Cái khó là lúc đó ở Việt Nam ai cũng nói nấm linh chi tốt nhưng không ai hướng dẫn và cũng không có ai chia sẻ trồng nấm rủi ro ra sao. Vì vậy, bà Hạnh đi đây đó để tìm hiểu kinh nghiệm trồng nấm. Lứa nấm đầu tiên chi phí giống hơn 300 triệu đồng, nhưng thất bại. Qua nhiều lần thất bại nữa và nhiều phen “tầm sư học đạo”, thành công đã mỉm cười với người phụ nữ này.
Mỗi năm, HQGano thu hoạch ba vụ, mỗi vụ 375-450kg nấm trên 84m2. Từ thành công của nấm linh chi hữu cơ, HQGano tiếp tục nuôi cấy đông trùng hạ thảo theo công nghệ nhà kính, 100% hữu cơ từ gạo lứt, nhộng tằm, tinh chất mầm đậu nành, nước dừa và glucose, với sự tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật của TS. Khuất Hữu Trung, Phó viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam), đánh dấu một bước tiến lớn trong ngành nấm và dược liệu.
Chia sẻ về bí quyết thành công, bà Hạnh nói: “Trong kinh doanh, tìm ra được hướng đi khác biệt quyết định đến 50% thành công. Khác biệt của HQGano là đi theo hướng hữu cơ. Còn bước đột phá là sử dụng phân trùn quế cho vào cơ chất trồng nấm linh chi”. Đông trùng hạ thảo là một loại nấm vừa là thực vật vừa là động vật nên khó trồng, đòi hỏi khắt khe về nhiệt độ, độ ẩm nên việc quản trị sản phẩm để đạt tiêu chí sạch, chất lượng cao là khó nhất.
Xác định công nghệ sẽ giúp Công ty phát triển nên bà đã đầu tư phần mềm chăm sóc khách hàng, quản trị dịch vụ từ rất sớm. Bà luôn khuyến khích nhân viên sáng tạo và khen thưởng đúng mức những ai có sáng tạo mang lại kết quả kinh doanh cao.
Không giấu nghề, bà Hạnh đã mở các lớp hướng dẫn nhằm nhân rộng mô hình trồng nấm linh chi và nuôi cấy đông trùng hạ thảo. “Tâm nguyện của tôi là làm sao đem đến cho người Việt Nam sản phẩm có ích cho sức khỏe mà chi phí không cao” – nữ lãnh đạo HQGano bộc bạch.
Mặc dù bận rộn với công việc kinh doanh nhưng vị nữ doanh nhân này vẫn hoàn thành trọng trách với bốn đứa con và cân bằng công việc gia đình. Theo bà Hạnh: “Phụ nữ làm kinh doanh khó hơn nam giới. Có những lúc khó khăn phải ôm trong lòng, không thể chia sẻ với chồng con, ngay cả với nhân viên cũng phải giấu để giữ sự lạc quan, an tâm nơi họ. Nhưng nếu bạn sống tốt, làm việc có trách nhiệm và thật tâm với cộng đồng thì điều tốt ắt sẽ đến”.
Bà Trần Trang Cẩm Tú – Tổng giám đốc Công ty TNHH Núi Sông |
Bà Trần Trang Cẩm Tú – Tổng giám đốc Công ty TNHH Núi Sông: Quản trị từ những cái nhỏ nhất
Ba mươi năm kinh doanh trong lĩnh vực phân phối dây điện từ, vật liệu cách điện, Tổng giám đốc Công ty TNHH Núi Sông – bà Trần Trang Cẩm Tú không chỉ dẫn dắt Núi Sông vượt qua nhiều cơn sóng dữ mà còn giữ được hai tài sản lớn nhất mà bất cứ ai khi kinh doanh cũng mong muốn có được, đó là nguồn nhân lực và khách hàng. Theo bà Tú, bí quyết để có được điều ấy là phải quản trị từ những cái nhỏ nhất.
“Năm 1990 tôi thành lập Công ty Núi Sông nhưng do không có kinh nghiệm quản lý, điều hành, không có nhân sự giỏi, lại phải quán xuyến việc buôn bán ở cửa hàng, nên phải đóng cửa. Cũng do quản trị không chặt nên Công ty còn bị thất thoát hàng hoá, thậm chí nhân viên lấy hàng hoá tuồn ra ngoài” – bà Tú kể. Đó cũng là lý do khi mở công ty lần hai, vấn đề đặt lên hàng đầu của Tổng giám đốc Công ty Núi Sông là phải biết cách quản trị.
Là nhà phân phối hàng hóa, áp lực lớn nhất của chủ doanh nghiệp là làm sao đảm bảo doanh số, giữ được thị phần cũng như khách hàng. Để làm được điều này, công thức chung là phải đào tạo được đội ngũ bán hàng giỏi, yêu thích công việc và có ý thức làm việc, bởi họ chính là người trực tiếp chăm sóc khách hàng và cũng là hình ảnh đại diện của công ty.
Vì vậy, ngay sau tuyển dụng, nữ lãnh đạo này đặc biệt chú trọng đào tạo kỹ năng và tư chất cho nhân viên bán hàng. Muốn nhân viên có tư chất tốt thì phải xây dựng được văn hóa công ty. Ở đó, mỗi nhân viên đều được quan tâm, chia sẻ, ai cũng cảm thấy có động lực và luôn được tiếp sức để làm việc, xem công ty như ngôi nhà thứ hai.
Trong quản trị doanh nghiệp, quản trị con người là khó nhất. Đó là lý do tại sao bà Tú không chỉ là người lèo lái Công ty mà còn kiêm luôn người mẹ, người chị biết quan tâm, chia sẻ tất cả những vấn đề riêng tư, khó nói của từng nhân viên và xây dựng họ thành một khối đoàn kết.
“Theo tôi, trong quản trị nhân sự, muốn giữ được nhân viên thì người lãnh đạo phải sâu sát, đôi khi phải tham gia vào những việc nhỏ của họ thì hiệu quả sẽ cao hơn nhiều khi giao cho giám đốc nhân sự. Song, bạn phải có tấm lòng, sự thông hiểu kết hợp với nguyên tắc thì mới thu phục được nhân tâm. Đó cũng là lợi thế riêng của người phụ nữ khi làm lãnh đạo” – bà Tú chia sẻ.
Để nhân viên gắn bó với Công ty hơn mười năm qua, bí quyết giữ người của bà Tú còn ở chỗ sắp đặt nhân viên đúng vị trí và năng lực của họ. Và để nhân viên gần nhau hơn, Công ty thường tổ chức những buổi đi chơi và đài thọ luôn chi phí cho gia đình của họ nếu cùng đi.
Bà Tú nói: “Khi nhân viên đi cùng gia đình, mình sẽ có nhiều cái lợi, đó là chồng, vợ của họ biết người thân đang làm việc với ai, người đó như thế nào, và khi họ yêu công ty của chồng hoặc vợ thì sẵn sàng hỗ trợ trong công việc. Điều quan trọng nữa là khi đi chơi chung Công ty, họ thấy sự bình đẳng, thân mật, sếp lẫn nhân viên như nhau”.
Bà Tú chia sẻ thêm: “Có doanh nghiệp thường quan niệm cứ trả lương cao sẽ giữ được nhân viên, nhưng tiền chỉ là phương tiện, muốn một nhân viên gắn bó lâu dài thì người lãnh đạo còn phải là tấm gương sáng trong công việc cũng như lối sống. Khi một nhân viên ở với mình quá lâu thì không có gì che giấu họ được, nên mình phải sống, làm việc và hành xử từ tâm”.
Bà Tú bộc bach: “Với một công ty bán lẻ, một năm doanh thu 40 tỷ đồng, đại lý khắp nơi và có nhiều đại lý tỉnh vẫn thanh toán bằng tiền mặt thì việc quản trị dòng tiền, quản trị công nợ kết hợp cách quản trị hệ thống từ lúc hàng vào kho đến xuất bán, rồi giao hàng, thu tiền là cả một vấn đề phải quản trị thật sát sao và chi tiết. Vậy nên để quản lý tiền hàng, cách quản trị của tôi là mỗi nhân viên chịu trách nhiệm một khâu và đối chiếu nhau, nhất là không để một người vừa bán hàng vừa đi thu tiền”.
Bà Tú cho rằng phụ nữ làm kinh doanh thì con cái có thiệt thòi. Bà kể: “Thời gian đầu kinh doanh, bận đến nỗi sinh con mới 20 ngày đã phải cai sữa, giao con cho người làm trông để ra cửa hàng. Riết rồi con tôi quên hơi mẹ, buổi tối về chìa tay bế con bị con hất ra, nhất định không theo. Lúc đó, tôi tủi thân lắm, giận mình nhưng chẳng biết làm sao. Bây giờ thì đã được bù đắp rồi, các con tôi lúc nào cũng quấn quýt, coi tôi như người bạn thân thiết”.
Nguồn: https://doanhnhansaigon.vn/tro-chuyen-voi-doanh-nhan/nhung-bong-hong-tren-thuong-truong-1076566.html
Bài viết liên quan
Related posts